Thúc đẩy hàng hóa lưu thông qua Cảng Nghi Sơn - chính sách mới, kỳ vọng mới

Trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt.

 

Trợ lực cho sự tăng tốc của cảng biển Nghi Sơn, ngoài thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng cảng, tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành nghị quyết mới về hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp (DN) thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Sự đột phá của chính sách được kỳ vọng sẽ tiếp tục “mở đường” cho hành trình khai thác tối đa năng lực vận hành cảng, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương lân cận.

Hàng hóa được vận chuyển vào Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn

Trợ lực mới cho phát triển

Hiện nay, hệ thống Cảng Nghi Sơn đã được quy hoạch chi tiết gồm có 62 bến, trong đó có 10 bến container, 22 bến tổng hợp, còn lại là bến chuyên dùng, với công suất lưu chuyển hàng hóa dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn có các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics...

Được đầu tư, phát triển sau so với nhiều cảng biển quốc gia, Cảng biển Nghi Sơn đã khắc phục được những hạn chế về sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng cảng. Hiện khu vực Cảng Nghi Sơn đã có nhiều khu, bến cảng hoàn thiện đầu tư hạ tầng và đi vào khai thác, vận hành, như khu cảng tổng hợp số 1 gồm 12 bến cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương, Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn; 3 khu vực cảng chuyên dùng gắn với các dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 1 cầu cảng nhập than của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2...

Hạ tầng cảng biển đã đáp ứng được lượng hàng hóa thông qua, với 43 triệu tấn năm 2021, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng hóa qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả Nghệ An và Hà Tĩnh). Cảng đã tiếp nhận tàu với trọng tải lớn nhất lên đến 320.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa. Trong tổng lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Nghi Sơn, có khoảng hơn 50% là hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo nguồn thu thuế khoảng hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 con số này gần 9.600 tỷ đồng.

Để khuyến khích, thu hút các DN thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, trong những năm 2019, 2020, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container quốc tế, chính sách hỗ trợ DN xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Khi ban hành các chính sách này, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được hãng tàu CMA-CGM khai thác tuyến vận chuyển container quốc tế với tổng cộng 91 chuyến tàu cập cảng, thu ngân sách khoảng 1.180 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ cho đơn vị 86 chuyến với kinh phí 17,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.545 container hàng hóa của 3 DN xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng. Ngoài tăng thu ngân sách thông qua hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu, Cảng Nghi Sơn đã được biết đến trên bản đồ quốc tế, được nhiều hãng tàu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và DN thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn, ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.

Theo đó, tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các DN vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026.

Gỡ nút thắt quan trọng để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả

Với mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn, đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn tại các chính sách từ Nghị quyết 248/NQ-HĐND, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động lưu thông hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để chính sách này “kích hoạt” hiệu quả và giữ “chân” được DN lâu dài, vấn đề cốt lõi là phải thu hút được cả các hãng tàu và DN cùng tham gia phát triển dịch vụ và thụ hưởng chính sách tại đây.

Thực tế, khi tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách từ Nghị quyết số 166/NQ-HĐND, có tới chục hãng tàu, hàng trăm DN xuất nhập khẩu tới khảo sát luồng lạch, bến cảng để chuyển dịch vụ khai thác, xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện chính sách, chỉ có hãng tàu CMA-CGM đầu tư tuyến container vận chuyển hàng hóa qua cảng, với tần suất 1 chuyến/tuần. Việc hạn chế hãng tàu, tần suất khiến các DN ít sự lựa chọn về mức giá cước cạnh tranh, cũng như không đáp ứng được nhu cầu xuất hàng liên tục nhiều chuyến/tuần theo yêu cầu của đối tác. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), riêng tỉnh Thanh Hóa có gần 190 DN xuất khẩu, cộng với các DN ở Nghệ An, Hà Tĩnh, lẽ ra sẽ có một lượng hàng hóa hùng hậu, nhưng tỷ lệ DN xuất khẩu của Thanh Hóa và các tỉnh lân cận đến với Cảng Nghi Sơn vẫn còn rất khiêm tốn so với DN đến với Cảng Hải Phòng.

Trong khi các DN mong muốn được đa dạng hóa sự lựa chọn dịch vụ từ nhiều hãng tàu, thì về phía các hãng tàu, khi thực hiện khảo sát đầu tư tuyến vận tải lại lấy yếu tố sự sôi động của DN thực hiện dịch vụ qua cảng lên hàng đầu. Vấn đề này xảy ra bởi lẽ, khi mỗi chuyến tàu chở ít hàng hóa sẽ khiến giá cước tăng lên, DN không thể đưa ra được mức cước cạnh tranh, thậm chí không có lãi hoặc phải bù lỗ mà khoản hỗ trợ từ chính sách cũng không đủ cân bằng lại.

Để gỡ nút thắt này, các sở, ngành, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách mới, thu hút đa dạng hãng tàu, nhiều DN đến tìm hiểu và thực hiện dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn. Bên cạnh đó, các hãng tàu, DN nên cùng hợp tác, liên kết để hạ giá thành phí dịch vụ vận chuyển qua cảng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm và duy trì bền vững hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn...

Nguồn: Báo Thanh Hóa