Kinh tế ngoại thương

BẢN MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

CỬ NHÂN KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG

(Dành cho sinh viên từ khóa 64)

CHUYÊN NGÀNH: KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG (D402)

NGÀNH: KINH DOANH QUỐC TẾ

MÃ NGÀNH: 7340120

 

1. Giới thiệu chương trình

Chương trình đào tạo Kinh tế ngoại thương do Khoa Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thẩm định và ban hành. Chương trình có tham khảo các chương trình của nhiều trường đại học trong nước và quốc tế. Chương trình được định kỳ rà soát, cập nhật, chỉnh sửa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với sinh viên tốt nghiệp cũng như đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Người học khi tham gia chương trình được đào tạo không chỉ về kiến thực mà còn được rèn luyện cả về kỹ năng, thái độ đáp ứng Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như một số yêu cầu quốc tế khác đối với năng lực của người lao động trong thế kỷ 21.

- Tên chương trình: CTĐT cử nhân Kinh tế ngoại thương

- Cơ quan/Viện trao bằng cấp: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

- Các đơn vị tham gia giảng dạy: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

- Chứng nhận chuyên môn: Bằng đại học

- Học vị sau tốt nghiệp: Cử nhân

- Mô hình học tập: Toàn thời gian

- Tổng số tín chỉ: 130 tín chỉ

- Ngôn ngữ sử dụng: Tiếng Việt

- Thời lượng đào tạo: 4 năm (8 học kỳ)/4,5 năm (9 học kỳ)

 

2. Mục tiêu của chương trình

Những người tốt nghiệp chương trình này có khả năng nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, vận dụng chính sách pháp luật có liên quan, hình thành ý tưởng và triển khai thực hiện các hoạt động ngoại thương; năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi môi trường làm việc, có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phục vụ phát triển  kinh tế biển và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế.

 

3. Cơ hội việc làm và học tập sau khi tốt nghiệp

Chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế Ngoại thương đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường rất cao, đối với sinh viên mới tốt nghiệp cũng đạt đến 80%. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các đơn vị như:

- Phòng ban nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kinh doanh, logistics của các công ty thương

mại, xuất nhập khẩu, giao nhận-logistics, vận tải và bảo hiểm quốc tế…

- Bộ phận thanh toán quốc tế, bộ phận tín dụng, bộ phận chăm sóc khách hàng… tại các Ngân hàng thương mại;

- Đại diện thương mại của các hãng, các công ty và tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế…;

- Bộ phận hợp tác quốc tế, quan hệ quốc tế và các bộ phận khác liên quan tới hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế của các sở ban ngành;

- Phòng ban nghiệp vụ tại các Chi cục, Cục, Tổng cục Hải quan;

- Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Cụ thể các vị trí việc làm tại một số đơn vị có thể kể đến: nhân viên kinh doanh, nhân viên giao nhận, nhân viên chứng từ, chuyên viên tín dụng, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên hải quan, chuyên viên lập, thẩm định và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài và rất nhiều các vị trí công việc khác. Bên cạnh cơ hội tìm kiếm việc làm, khả năng thăng tiến nghề nghiệp và thu nhập cao, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành còn có điều kiện và khả năng tiếp tục học tập, nâng cao trình độ ở cả trong và ngoài nước.