ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN, SINH VIÊN NGÀNH KINH TẾ
PGS.TS. Đặng Công Xưởng
Trưởng Khoa Kinh tế, trường Đại học Hàng hải Việt Nam
Tóm tắt
Khoa học kinh tế là lĩnh vực khoa học đa dạng và phức tạp bao quát nhiều lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội của quốc gia, từ kinh tế tổng hợp chung đến kinh tế các ngành, chuyên ngành. Chính vì tác động trực tiếp đến các ngành của nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống xã hội nên có rất nhiều yêu cầu bức thiết của xã hội, của doanh nghiệp và người lao động cần được khoa học nghiên cứu, tính toán làm cơ sở cho các cấp quản lý đề ra các chính sách ở tầm vĩ mô cũng như các lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp có cơ chế, kế hoạch ở tầm vi mô để kịp thời giải quyết “nút thắt” nhàm tháo gỡ cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Bài báo sẽ định hướng những vẫn đề đặt ra cần nghiên cứu về khoa học kinh tế nói chung và kinh tế chuyên ngành Hàng hải nói riêng để giảng viên trẻ, sinh viên tìm được hướng, lĩnh vực nghiên cứu phù hợp.
Từ khóa: Hướng nghiên cứu, khoa học kinh tế.
Abstract
Economic science is a diverse and complex field covered many fields of the national economy and society which including general economics to specialized industry. Because of its direct impact on sectors of the economy and on social life, there are many urgent requirements of society, businesses and employees that need to be scientifically researched, calculated and implemented. Therefore, it lays the foundation for managers to set high-level policies as well as for leaders and employers to have low level policies to promptly solve their "bottlenecks". The article will indicate the problems that need to be researched in economic science in general and maritime economics in particular. Based on that, young lecturers and students can find appropriate directions and fields of research.
Keywords: Research direction, economic science.
1. Đặt vấn đề
Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động chính, bên cạnh công tác giảng dạy, của giảng viên tại các trường đại học hiện nay. Công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên gồm nhiều hình thức:
- Chủ nhiệm hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: cấp Nhà nước, cấp Bộ, Thành phố (tỉnh); cấp cơ sở (Trường)…;
- Công bố các bài báo khoa học theo từng cấp độ: nước ngoài, trong nước;
- Viết bài và tham gia báo cáo tại các Hội thảo khoa học chuyên ngành (đăng bài trên Kỷ yếu hội thảo hoặc báo cáo tại hội thảo);
- Báo cáo hoặc tham gia tại các Hội nghị chuyên ngành;
- Phản biện các bài báo khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học;
- Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học;
- Tham gia lập Đề án, Dự án của các doanh nghiệp…;
- Ứng dụng KHCN và giải pháp hữu ích được ứng dụng có hiệu quả; Chuyển giao kết quả NCKH…
Ngoài ra, giảng viên có kinh nghiệm có thể tham gia:
- Biện soạn hoặc tham gia biên soạn (một vài chương) giáo trình, Tài liệu giảng dạy; sách tham khảo, chuyên khảo;
- Lập và tham gia biên soạn, góp ý các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, chuyên ngành;
Với nhiều hình thức nghiên cứu, công bố, áp dụng nghiên cứu khoa học như trên, giảng viên và sinh viên có thể lựa chọn hướng nghiên cứu phù hợp với điều kiện, chuyên môn của mình. Sau đây là một vài định hướng, lưu ý khi lựa chọn lĩnh vực cần nghiên cứu khoa học.
2. Định hướng nghiên cứu khoa học kinh tế
2.1. Xác định tính cần thiết và mục tiêu nghiên cứu
Để xác định rõ mục tiêu, đích đến của nghiên cứu khoa học cần trả lời câu hỏi: Nghiên cứu này có cần thiết không? Để làm gì? Áp dụng ở đâu?
Như vậy phải xác định tính cấp thiết và ứng dụng của nghiên cứu thì mới rõ được mục tiêu.
2.2. Làm rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Cần phải làm rõ đối tượng nghiên cứu là vấn đề gì, phải cụ thể, không chung chung. Ví dụ: Sản lượng hang thông qua cảng; chất lượng nguồn nhân lực; yếu tố chi phí; thủ tục hành chính; cơ chế tài chính…
Cũng cần phải xác định rõ phạm vi nghiên cứu cả về không gian: đơn vị, doanh nghiệp, khu vực, quốc gia… Và phạm vi về thời gian: từ tháng năm này đến tháng năm của thời điểm nghiên cứu. Như vậy việc thu thập số liệu mới tập trung và logic về thời gian để thấy được sự biến động qua các tháng, năm trong quá trình nghiên cứu.
2.3. Việc sử dụng phương pháp nghiên cứu
Tùy từng lĩnh vực nghiên cứu mà sử dụng các phương pháp nghiên cứu cho phù hợp, đủ độ tin cậy và có tính hiện đại nhằm xác định chính xác kết quả nghiên cứu. Trong khoa học kinh tế, có rất nhiều phương pháp, cả về truyền thống và hiện đại, có thể liệt kê một số phương pháp chính như sau:
- Phương pháp nghiên cứu truyền thống: Thống kê số liệu; Tổng hợp; Phân tích; So sánh; Mô hình hóa; Phỏng vấn và lấy ý kiến Chuyên gia….
- Phương pháp định lượng: Hiện có rất nhiều giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ còn khá mơ hồ và lúng túng khi sử dụng các công cụ định lượng trong nghiên cứu khoa học.
Thực chất, việc lượng hóa các vấn đề kinh tế thông qua các mô hình toán đã được sử dụng từ cuối thế kỷ 19. Đến nay, các công cụ định lượng dần trở nên quen thuộc đối với các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới và ở Việt Nam. Nó được coi như một phần không thể thiếu trong nhiều nghiên cứu kinh tế - xã hội. Theo đó, các hiện tượng kinh tế được mô tả và giải thích bằng mô hình toán học, còn được gọi là “sự luận giải bằng thống kê”.
Sử dụng công cụ định lượng trong nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học trình bày kết quả công trình nghiên cứu với cơ sở nền tảng vững chắc và thuyết phục, đảm bảo không có sự áp đặt tư duy chủ quan lên hiện tượng nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng thực tế là một quá trình lượng hóa mối quan hệ giữa các nhân tố bằng các công cụ phù hợp và bộ dữ liệu định lượng. Có thể dễ dàng nhận thấy trong các nghiên cứu trước đây đều có các bộ số liệu định lượng mô tả điều kiện hoặc các kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một hạn chế lớn là các tác giả hầu như không lượng hóa được các mối quan hệ mà chỉ dừng lại ở thống kê mô tả do số lượng mẫu quá nhỏ. Vì vậy, các nghiên cứu đó chỉ là nghiên cứu mô tả, không được gọi là nghiên cứu định lượng.
Cần sử dụng các công cụ định lượng trong nghiên cứu giúp cho việc xác định kết quả một cách tường minh, khoa học. Các bước tiến hành nghiên cứu định lượng cơ bản như sau:
Xây dựng khung lý thuyết - Xác định các biến số, thước đo - Lựa chọn công cụ định lượng (phần mềm) - Dự báo.
2.4. Nội dung lĩnh vực nghiên cứu
Có rất nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu về kinh tế, từ kinh tế chung cho đến kinh tế từng chuyên ngành, từ những nghiên cứu hàn lâm, vĩ mô cho nền kinh tế hay lĩnh vực đến những nghiên cứu vi mô đáp ứng yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp. Có thể liệt kê những vấn đề đặt ra ở các lĩnh vực như sau:
- Công tác quản lý Nhà nước:
- Hoàn thiện về cơ chế, chính sách;
- Cải cách hành chính;
- Công tác quy hoạch, chiến lược phát triển;
- Xây dựng các bộ tiêu chí cho từng lĩnh vực: nông thôn mới; kinh tế xanh; kinh tế tuàn hoàn, bền vững….
- Các vấn đề của đơn vị, doanh nghiệp:
- Nhân lực/ chất lượng nguồn nhân lực;
- Cơ chế tài chính; Vốn, huy động/sử dụngvốn;
- Hiệu quả kinh doanh/Chiến lược kinh doanh;
- Công tác quản lý, điều hành;
- Đầu tư, thu hút đầu tư;
- Phát triển, mở rộng mạng lưới, thị phần…
- Các vấn đề khác:
- Việc làm, một số vấn đề về xã hội;
- Khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư;
- Các dịch vụ liên quan….
3. Kết luận
Trong khuôn khổ của một bài báo, không thể trình bày và phân tích chi tiết các lĩnh vực cần nghiên cứu về kinh tế nói chung, kinh tế chuyên ngành và kinh tế hàng hải nói riêng, vì khoa học kinh tế rất đa dạng và bao quát nhiều lĩnh vực. Hy vọng với một vài lưu ý, định hướng khi nghiên cứu khoa học kinh tế sẽ giúp một phần cho các giảng viên trẻ và sinh viên ngành kinh tế có thể xác định, lựa chọn được lĩnh vực nghiên cứu phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Quang Dong, GS.TS và Nguyễn Thị Minh, PGS.TS, Giáo trình Kinh tế lượng, Nhà xuất bản đại học Kinh Tế Quốc Dân, 2013.
- Giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Đại học Kinh Tế Quốc Dân, 2015.