Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (vass.gov.vn)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tập trung vào việc tăng cường và phát triển các nguồn lực về khoa học xã hội cũng như mở rộng các mối quan hệ hợp tác và giao lưu quốc tế.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, các nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tập trung vào hệ thống chính trị, cơ cấu xã hội, mô hình quản lý xã hội, an sinh xã hội và giảm nghèo theo hướng phát triển bền vững, các vấn đề của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã và đang tiến hành một loạt các nghiên cứu về tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nợ công và suy thoái kinh tế toàn cầu. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các kết quả của nhiều dự án nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, đó là những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong lĩnh vực khoa học nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực nghiên cứu về khảo cổ học và lịch sử, dân tộc và tôn giáo, văn hoá và con người, văn học, ngôn ngữ và Hán Nôm, đặc biệt trong các nghiên cứu về lịch sử và xã hội Việt Nam, bao gồm các giá trị, bản sắc văn hóa, tôn giáo và sắc tộc. Nhiều đề tài nghiên cứu lịch sử đã được thực hiện và công bố nhằm mục đích tìm hiểu cội nguồn và các giai đoạn phát triển của lịch sử nước nhà. Các kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, xây dựng từ điển bách khoa, sưu tầm và bảo quản các di sản Hán Nôm và các dạng chữ viết cổ truyền khác của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước – là điểm tham quan và trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nhiều khu vực khảo cổ ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đã được thăm dò và khai quật. Kết quả nghiên cứu quan trọng gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về các giá trị của Hoàng thành Thăng Long là yếu tố quyết định để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.
Trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế và khu vực, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện các dự án nghiên cứu quan trọng về sự phát triển và những biến đổi trong nền chính trị và kinh tế thế giới, về tương quan quyền lực và vai trò của các nước lớn, về tác động của các xu hướng phát triển chủ yếu trên thế giới đối với khu vực Châu Á -Thái Bình Dương và Việt Nam. Các nghiên cứu quốc tế và khu vực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng tập trung làm rõ các quan điểm và đối sách của các quốc gia, các vùng lãnh thổ đối với các vấn đề chính trị, chủ quyền lãnh thổ, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế, điều chỉnh chiến lược và phản ứng chính sách của các cường quốc trên thế giới trong bối cảnh bất ổn trên toàn thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính, đô thị hóa gia tăng và biến đổi khí hậu,... Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cung cấp nền tảng khoa học và thực tiễn về phát triển khu vực, vai trò của các hành lang kinh tế và đặc biệt về tăng cường cơ sở hạ tầng và liên kết khu vực.
Công tác nghiên cứu khoa học, tham mưu và tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực về phạm vi và chất lượng, bắt nhịp được với thực tiễn và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, chú trọng hơn vào sự đổi mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả. Có thể nói, trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định được vai trò của một viện quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu khoa học xã hội.