Hướng tới thành phố cảng thông minh

Kinh tế biển là động lực quan trọng đóng góp tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển các thành phố cảng đang trở thành ưu tiên trong chiến lược kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia. Là một trong những cảng biển lớn và sôi động nhất của Việt Nam, kỷ nguyên khoa học công nghệ hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho Hải Phòng đổi mới và phát triển, hướng tới mô hình thành phố cảng 4.0.

 

 

Tàu vào làm hàng tại Cảng Greenport Hải Phòng. Ảnh: Trung Kiên

 

 

Phát triển mô hình “cảng biển thông minh”

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa 12) ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát “xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Để thực hiện mục tiêu này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy thành phố Hải Phòng cần nâng cấp nền tảng công nghệ của thành phố và tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0– hướng tới xây dựng và phát triển mô hình “cảng biển thông minh”, “đô thị thông minh”. Hiện, Hải Phòng bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin và IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet) trong một số khâu liên quan tới dịch vụ logistics như thủ tục hải quan, quản lý, xếp dỡ hàng hóa tại các kho bãi, bến cảng... Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế và lạc hậu so với các cảng biển thông minh trên thế giới hiện nay.

Khó khăn lớn nhất của Hải Phòng là nguồn vốn đầu tư để hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, trang bị các thiết bị công nghệ cao... Thành phố có thể huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như kêu gọi tài trợ của các doanh nghiệp công nghệ (như CISCO Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin như FPT, Mobiphone hay Viettel). Đồng thời, thành phố cần chú trọng đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao để vận hành và sử dụng các thiết bị công nghệ mới.

 

Nâng cấp hệ thống giao thông

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các thành phố cảng và là “chìa khóa” xây dựng thành phố thông minh. Thế mạnh của Hải Phòng là hệ thống giao thông tích hợp với đầy đủ các phương thức vận tải từ đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Do vậy, Hải Phòng có tiềm năng lớn đối với phát triển các loại hình vận tải đa phương thức, ví dụ gắn kết cảng biển với hệ thống đường sắt và mạng lưới đường bộ vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, tính kết nối giữa các phương thức vận tải này ở Hải Phòng rất thấp, gánh nặng vận tải đang chủ yếu dồn lên đường bộ khiến phí vận tải bình quân cao. Ngoài ra, hệ thống giao thông của Hải Phòng đang trong tình trạng quá tải khi mạng lưới giao thông của thành phố khá phức tạp - vừa kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện và các tỉnh, thành phố khác, vừa phục vụ nhu cầu đi lại nội đô.

Thực tế này đặt ra yêu cầu chính quyền thành phố cần tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp và phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, nhất là khi cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động. Đồng thời, thành phố cần khẩn trương giải quyết những vấn đề liên quan tới các loại phí; phí cầu đường, phí BOT, phí cơ sở hạ tầng tại cảng Hải Phòng hiện còn cao.

Trong những năm gần đây, các hoạt động phát triển du lịch, cảng biển, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất công nghiệp... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng. Tuy nhiên, song hành với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng nghiêm trọng. Rác thải, khí thải không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm suy thoái trầm trọng môi trường biển. Với định hướng trở thành cảng biển quốc tế nhộn nhịp, thách thức đặt ra đối với Hải Phòng là làm thế nào để kiểm soát tình trạng ô nhiễm khi mỗi ngày cảng Hải Phòng sẽ đón tiếp lượng tàu cập bến khổng lồ với lưu lượng giao thông tăng vọt. Trước mắt, chính quyền thành phố cần tăng cường quản lý, kiểm soát lượng chất thải và khí thải từ các cảng, đồng thời nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, thậm chí chấp nhận nhập khẩu các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Ngoài ra, Hải Phòng cân nhắc đầu tư phát triển mô hình cảng xanh, thân thiện với môi trường.

Hải Phòng cần quan tâm vấn đề gắn kết phát triển cảng biển với các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh của thành phố. Quy mô và không gian đô thị của Hải Phòng hiện được mở rộng đáng kể, tổng diện tích đô thị tăng lên 4,7 lần (từ 7.359 ha lên 34.289 ha) và quy mô dân số tăng lên 1,45 lần. Đô thị mở rộng sẽ làm gia tăng sức ép đối với các vấn đề về hạ tầng đô thị. Vì thế, song song với đầu tư nguồn lực xây dựng cảng biển, chính quyền thành phố chú trọng phát triển đô thị, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà ở, hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện..., phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân./.

BÁO ĐIỆN TỬ HẢI PHÒNG