Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực phát triển

Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu đến năm 2025 thành phố có 40 doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), đến năm 2030 có 60 doanh nghiệp KHCN. Đây là thách thức trong thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo của thành phố, giúp các dự án duy trì và phát triển bền vững.

 

 

Các giảng viên trường đại học, doanh nghiệp trao đổi về kỹ năng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

 

Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi

Phần lớn startup non trẻ, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, điều hành, thiếu cố vấn và huấn luyện viên. Do đó, giải pháp chuyên gia hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong quá trình làm việc chung là rất cần thiết. Ông Hoàng Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng cho biết, Hội có một số hoạt động cố vấn, kết nối đầu tư đối với các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Song, Hội chưa tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trung tâm ươm tạo, cũng như chưa có các tổ chức chuyên nghiệp cung cấp các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp. Một số ngành đã tập hợp được các chuyên gia chuyên ngành, nhưng cơ sở dữ liệu chuyên gia chưa liên thông và chưa phục vụ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn, để tạo nguồn chuyên gia tại chỗ, thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia; thành lập các CLB cố vấn, huấn luyện viên và vận động các giảng viên, kỹ sư giỏi tham gia. Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng liên kết nhiều tổ chức uy tín của Nhật Bản và một số nước khác triển khai thực hiện nhiều khóa đào tạo giám đốc chiến lược, quản trị nhân sự chất lượng cao. Đây là nguồn chuyên gia tiềm năng của thành phố trong tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài huy động nội lực, để có đủ lực lượng chuyên gia giỏi phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần sử dụng hiệu quả cao nguồn lực chuyên gia nước ngoài. Hiện, có một số tổ chức như IPP, PUM, JICA sẵn sàng cung cấp nhiều chuyên gia giỏi về các lĩnh vực khởi nghiệp như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, môi trường, hóa chất- vật liệu tổng hợp, dệt và da, xây dựng- công trình, du lịch- khách sạn, giáo dục-đào tạo nghề, tư vấn doanh nghiệp…

 

Khơi thông nguồn vốn

Thực tế, các startup đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng bởi mức rủi ro không thu hồi vốn rất cao. Chị Ngô Thị Hiền, chủ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Bột rau củ và các sản phẩm gia tăng từ rau củ RAUTA” (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lineup, thôn Bách Phương 4, xã An Thắng, huyện An Lão) cho biết, công ty cần huy động khoảng hơn 1 tỷ đồng vốn cho dự án, song việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng không dễ do quy trình giải ngân vốn đầu tư nhiều thủ tục phức tạp. Mặt khác, do thiếu khung pháp lý như chưa có chính sách ưu đãi thuế nên các nhà đầu tư e ngại khi quyết định rót vốn.

Do đó, sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mạo hiểm là cơ hội dành cho các starup. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Hương, Giám đốc Sàn Giao  dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng, hiện có nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp như 500 Startups, VIISA, FPT Ventures, Vingroup Ventures… Để tiếp cận nguồn vốn này, các startup thể hiện sự chuyên nghiệp thông qua bộ hồ sơ gọi vốn; nắm rõ quy trình rót vốn, lộ trình thẩm định dự án, đồng thời chuẩn bị kế hoạch khả thi, rõ ràng, mạch lạc, trang bị kiến thức văn hóa quốc tế, trình độ ngoại ngữ để gọi vốn thành công.

Khi nhắc đến đầu tư mạo hiểm, người ta chỉ nhớ đến các quỹ ngoại, song hiện nay đã có quỹ nội, như Công ty Cổ phần chứng khoán BIDV, Vingroup với quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và khoa học công nghệ trị giá 300 triệu USD, Quỹ Sáng tạo CMC, Viettel Venture… Ngoài ra, nhiều cộng đồng, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần cũng ra đời, nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cả rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm như VIC Impact, Angel4us, Hatch!Angel Network…Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Hương, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hải Phòng được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tìm kiếm cơ hội đầu tư qua các phiên kết nối đầu tư, kết nối kinh doanh. Qua các phiên kết nối này, một số dự án tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng để đàm phán các bước đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án được Sở Khoa học- Công nghệ tư vấn xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh doanh, đào tạo kỹ năng thuyết trình, kỹ năng gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư, chuẩn bị hành trang cần thiết để các dự án tự tin qua các vòng gọi vốn./.

Đến hết tháng 9-2019, 85 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Sở Khoa học- Công nghệ hỗ trợ, trong đó có 3 dự án được cam kết đầu tư vốn. 2 khu làm việc chung tại Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị và Push Co-working Hải Phòng được hoàn thiện. Hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Trường đại học Hải Phòng và nhóm khởi nghiệp thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Hải Phòng.

BÁO ĐIỆN TỬ HẢI PHÒNG