Khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp từ trong trường học

Mục đích chính của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” là khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp; trang bị các kiến thức cần thiết cho học sinh, sinh viên về khởi nghiệp; kết nối tất cả các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối với nhau thì càng có ý nghĩa lớn hơn và cổ vũ thêm nhiều sáng tạo mới. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối với nhau thì càng có ý nghĩa lớn hơn và cổ vũ thêm nhiều sáng tạo mới. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy khi dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 (SV-Startup), sáng 5-10, tại Hà Nội.

Qua 2 năm thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, ngành giáo dục đã xây dựng tiêu chí các nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, đặc biệt là xây dựng tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp.

Nhiều trường học đã kết nối với doanh nghiệp, xây dựng không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.

Năm 2018, SV-Startup có sự tham dự của gần 200 dự án khởi nghiệp thì năm nay đã có hơn 300 dự án. Chất lượng của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt hơn và được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cam kết thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ ngành để kết nối hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của học sinh, sinh viên với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; tháo gỡ vướng mắc sở hữu trí tuệ; tạo nguồn ngân sách hỗ trợ cho quỹ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng tài liệu kỹ năng, kinh nghiệm trong khởi nghiệp của sinh viên; nhân rộng mô hình “vườn ươm” giữa nhà trường và doanh nghiệp…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm 1 gian trưng bày trong SV-Startup 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm 1 gian trưng bày trong SV-Startup 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trò chuyện với các bạn sinh viên, học sinh tại ngày hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện ông đã trao đổi với một nữ doanh nhân tại hội nghị về phát triển bền vững mới đây: Làm sao để Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn khi mà quy mô nền kinh tế càng lớn thì càng khó đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Ba thập niên vừa qua Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đứng trong khoảng 120-130 trên thế giới. Nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì trong vòng 20 năm tới Việt Nam phải giữ được tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người trên 7,5%/năm, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế phải trên 8%/năm.

“Chúng ta có hài lòng ở trong bẫy thu nhập trung bình không? Chắc chắn là không. Vì vậy, phải phát huy tất cả mọi sức mạnh để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn nếu huy động được nguồn lực trong dân còn rất lớn, giải quyết được vướng mắc trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, cần kết hợp được sức mạnh dân tộc (truyền thống, con người…) với sức mạnh thời đại, trong đó có sự phát triển như vũ bão của khoa học, bằng việc tập trung thật sự vào khoa học, vào nguồn nhân lực để khơi dậy sự sáng tạo của mọi người, trước hết là trong giới nghiên cứu, nhất là nhà khoa học trẻ, sinh viên. Đây cũng là những vấn đề đặt ra trong Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mục đích chính của đề án không phải là tạo ra nhiều Startup, tạo ra nhiều tỷ phú mà trang bị các kiến thức cần thiết cho học sinh, sinh viên về khởi nghiệp. Đồng thời kết nối tất cả các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Quan trọng nhất là đề án phải khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp trong các trường học.

“Chúng ta đang đổi mới giáo dục, một trong những vấn đề rất căn bản là đổi mới phương pháp dạy và học. Trước đây ở cả đại học lẫn phổ thông chúng ta chú trọng phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động. Bây giờ trường đại học cần đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra tri thức lên trên. Trường phổ thông phải khơi dậy sự sáng tạo của giáo viên, học sinh để hình thành một lớp người biết sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách về khởi nghiệp sáng tạo đã được ban hành, triển khai, nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất 1 không gian làm việc sáng tạo chung (co-working space). “Hiện có khoảng 70 điểm co-working space trong các trường đại học nhưng chúng ta đâu chỉ có 70 trường đại học, chưa kể các trường nghề. Đây sẽ là những “chân rết” hình thàng mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo của các trường đại học”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, các trường đại học, các thầy cô giáo cần tham gia tích cực hơn nữa vào việc biên soạn và chia sẻ các học liệu lên trên mạng. Đó là sự đóng góp hữu ích nhất cho các bạn sinh viên khởi nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng học liệu chất lượng nhất của những thầy giỏi nhất ở những trường tốt nhất. Và các đồng nghiệp, thầy cô giáo khác cũng nhìn vào đấy để cùng nhau phấn đấu.

“Đã có sự kết nối giữa các trường với nhau, với doanh nghiệp, các bộ ngành để hỗ trợ sinh viên, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo nhưng chúng ta phải tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa.

Chăm chỉ, quyết tâm và nhất định phải sáng tạo. Sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối với nhau thì càng có ý nghĩa lớn hơn và cổ vũ thêm nhiều sáng tạo mới. Chỉ có kết nối cùng nhau thì mới tạo ra sức mạnh lớn, để cả đất nước đi nhanh hơn”, Phó Thủ tướng kêu gọi.

Theo Chinhphu.vn