Lạc quan với vận tải thủy nội địa phía Bắc

Theo thống kê, vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa tại Hải Phòng và khu vực phía Bắc mới chỉ đang ở mức khá khiêm tốn, khoảng 6%.

Trong đó vận chuyển container bằng đường thủy nội địa tại khu vực phía Bắc năm 2023 đạt khoảng 2,3% trên tổng sản lượng hàng hóa container thông qua cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

  

Chuyến xà lan đầu tiên đi Ninh Bình của công ty CP vận tải container ven biển Macstar

 

Nghịch lý vận tải thủy - bộ

Hiện nay, vận tải đường bộ tại khu vực phía bắc chiếm tỷ lệ trên 80% tổng sản lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng, trong khi thực trạng các tuyến đường bộ từ Hải Phòng kết nối đi các tỉnh phía bắc Việt Nam còn khá hạn chế so với mức độ tăng trưởng từ 8-10%/ năm tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Cảng Hải Phòng.

Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư làm mới và nâng cấp cải tạo một số tuyến đường để kết nối giao thông nhưng cũng không thể đáp ứng kịp với sự tăng trưởng hàng hóa nên vẫn thường xuyên gây ra ùn tắc cục bộ vào các thời gian cao điểm tại khu vực đường 5 và khu vực cảng biển Hải Phòng. Dự kiến quý 2/2025 bến cảng số 3,4,5,6 Lạch Huyện đưa vào khai thác đón những tầu biển cỡ lớn, cầu Tân Vũ Lạch Huyện chắc chắn sẽ xảy ra ùn tắc.

Với những lợi thế to lớn được thiên nhiên ban tặng, mạng lưới đường thủy nội địa phía Bắc gần 2.700 km chiều dài, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước, như vậy lợi thế và tiềm năng khai thác vận tải thủy tại Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc là rất to lớn. Tuy nhiên cho đến nay thì loại hình vận tải này tại phía Bắc chưa được phát triển mạnh mẽ do rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Trong đó, việc để tạo ra thói quen cho người tiêu dùng một loại hình dịch vụ mới cần phải có thời gian và tạo ra được nhiều lợi thế mang tính cạnh tranh về mọi mặt so với các loại hình dịch vụ truyền thống sẵn có.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải thủy này còn rất nhiều khó khăn, trong đó để xây dựng được cơ chế chính sách, giá thành sản phẩm sao cho chất lượng dịch vụ phải thật tốt, đủ sức lan tỏa và hấp dẫn đối với khách hàng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị để khai thác vận hành cũng cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư và doanh nghiệp luôn mong muốn nhận được sự tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh thành như việc cung cấp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận, khảo sát các khu vực có vùng nước và bãi hậu phương để lập các dự án đầu tư xây dựng, tạo ra sự kết nối vùng để phát triển vận tải thủy và phát triển kinh tế.

 

Những tín hiệu vui

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh thành và đặc biệt là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các nút thắt về các chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Có thể nói với việc TP Hải Phòng giảm 50% phí hạ tầng sẽ là một cú hích và là một động lực to lớn để giúp tăng khả năng cạnh tranh của vận tải thủy, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy. Với chính sách hỗ trợ này, TP Hải Phòng chỉ giảm khoảng 2% tổng số thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển hàng năm nhưng lại góp phần rất lớn cho việc tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dần lên khoảng từ 10-15 % tổng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng.

Ngoài việc được giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp nói chung, còn góp phần rất lớn cho việc giảm tải giao thông đường bộ, giảm tai nạn giao thông, đồng nghĩa với việc giảm vốn đầu tư bảo trì đường bộ, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và đặc biệt là giảm khí thải nguy hại gây ô nhiễm cho môi trường. Ví dụ như hiện nay, mỗi năm có khoảng 6 triệu teus container hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng, tính trung bình khoảng 16.000 teus/ngày, tương đương với khoảng 10.000 xe đầu kéo chở container/ ngày lưu thông trên các tuyến đường dẫn đến cảng. Và với mức độ dự kiến tăng trưởng khi hàng hóa được chuyển sang vận tải thủy từ 10-15% (khoảng 600.000 đến 850.000 teus/ năm) sẽ góp phần giảm khoảng 800 đến 1.200 xe container/ngày chạy trên các tuyến đường bộ dẫn đến cảng Hải Phòng.

Một tín hiệu vui trong những ngày đầu năm 2024 này, để góp phần cho sự tăng trưởng loại hình vận tải thủy xanh, Công ty CP vận tải container ven biển MacStar (MacStar Lines), một hội viên của Hiệp hội Logistcis Hải Phòng đã tiên phong triển khai tuyến vận tải ven biển từ Hải Phòng – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa bằng Sà lan SB với sức chở lên đến 180 teus từ ngày 1.3.3024. Bên cạnh đó MacStar Lines chạy song song tuyến đường sông số 2 từ Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình bằng loại sà lan S1 có sức chở 36/54 teus. Với sự tiên phong này, MacStar Lines sẽ góp phần lớn vào sự phát triển vận tải thủy phía Bắc và dần tạo thói quen cho khách hàng tiếp cận mới loại hình dịch vụ này để đạt được sự tăng trưởng như kỳ vọng từ 10-15% của các ban ngành.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp.vn